Ba là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về chủ động chuẩn bị lực lượng mạnh, xây dựng thế trận, tạo và chớp thời cơ, kiên quyết tiến lên giành thắng lợi trong thời gian ngắn nhất.
Trên cơ sở nắm vững quy luật “mạnh được, yếu thua” của chiến tranh, với quyết tâm chiến lược đã xác định, Đảng đã lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh chủ động chuẩn bị lực lượng mạnh, bí mật triển khai thế trận hiểm và bất ngờ, buộc địch mắc mưu, phải bị động đối phó. Từ sự bị động đối phó, chúng dẫn tới liên tiếp mắc sai lầm về chiến dịch, chiến lược, làm xuất hiện thời cơ có lợi cho ta. Ta nhanh chóng chớp thời cơ có lợi, tập trung sức đánh mạnh địch, đẩy chúng vào thế tuyệt vọng, buộc phải đầu hàng vô điều kiện, ta giành thắng lợi sớm hơn dự kiến.
Để thực hiện chiến lược đã đề ra và sẵn sàng đón thời cơ, chuẩn bị cho các đòn tác chiến chiến dịch quy mô lớn, từ tháng 10/1973, Đảng ta đã có chủ trương cho thành lập các binh đoàn cơ động chiến lược mạnh để tạo khả năng đánh các đòn quyết định chiến trường. Tháng 3/1975, ta đã thành lập các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) có sức cơ động mạnh để đánh địch trong các trận quyết chiến chiến lược.
Song song với chuẩn bị lực lượng mạnh, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho Quân ủy, Bộ Tổng tham mưu chủ động chuẩn bị thế trận và chiến trường theo hướng tạo thế hiểm và bí mật, bất ngờ để chủ động đánh địch. Theo đó, Bộ Chính trị chỉ đạo chọn Tây Nguyên là chiến trường mở màn trọng điểm với hướng tiến công chiến lược từ phía Nam đánh lên, miền Đông Nam Bộ là hướng quyết định cuối cùng. Với cách đánh chiến lược, chiến dịch là kết hợp ba đòn mạnh (chủ lực, nông thôn, đô thị) và bằng 3 mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, trong đó các trận đánh của các binh đoàn chủ lực cơ động mạnh là những đòn quyết định.
Đúng như dự kiến của Đảng, trận mở màn ở Nam Tây Nguyên diễn ra từ ngày 4 đến ngày 24/3/1975 đã giành thắng lợi giòn giã, quân địch hoàn toàn bị bất ngờ, lúng túng cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, tạo ra sự chấn động mạnh và phá vỡ một mảng lớn quân địch, buộc chúng phải đảo lộn thế bố trí chiến dịch và chiến lược, tác động dây truyền đến toàn bộ chiến trường, đẩy chúng đến chỗ cùng quẫn, hoảng loạn. Chớp thời cơ chiến dịch, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời chỉ đạo quân và dân ta ở miền Nam mở chiến dịch Huế - Đà Nẵng, chỉ đạo Quân khu 5 kết hợp với Bộ tư lệnh Hải quân mở chiến dịch giải phóng các đảo do quân nguỵ Sài Gòn đóng giữ.
Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: “Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975”. Trong bối cảnh ấy, đầu tháng 4/1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Đảng luôn nắm chắc tình hình chiến trường, lãnh đạo chỉ đạo kịp thời, linh hoạt các lực lượng thừa thắng xông lên, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, với ý chí và quyết tâm “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ thời gian, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến, quyết thắng”(6), bộ đội và nhân dân ta trên khắp các chiến trường đã dũng mãnh xông lên với tinh thần “tất cả cho thắng lợi”.
Sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, thần tốc truy đuổi quân địch đến tận sào huyệt cuối cùng, bằng trận quyết chiến chiến lược lịch sử - chiến dịch Hồ Chí Minh, Sài Gòn - Gia Định được hoàn toàn giải phóng, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 lá cờ cách mạng của quân và dân ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của bè lũ bán nước và xâm lược.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi trọn vẹn.
Thành công nổi bật khác về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ta trong đại thắng mùa Xuân 1975 là đã tạo ra và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến tranh cách mạng để giành thắng lợi trọn vẹn, không để xảy ra đổ vỡ nghiêm trọng. Đảng chỉ đạo lấy tiến công quân sự của các binh đoàn cơ động chiến lược mạnh làm “đòn cân não”, kết hợp chặt chẽ với sự nổi dậy của quần chúng đấu tranh chính trị và binh vận, làm tan rã nhiều bộ phận quân địch, giải phóng từng địa bàn chiến lược rộng lớn, tiến tới tổng công kích, tổng nổi dậy để giành quyền làm chủ và giành thắng lợi hoàn toàn.
Đảng ta nắm vững quy luật chiến tranh, quy luật phát huy sức mạnh tổng hợp và quy luật “quyết định chiến trường là lực lượng vũ trang”, tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, vận dụng sáng tạo quy luật chiến tranh và quy luật khởi nghĩa vũ trang.
Cùng với sử dụng sức mạnh quân sự của các binh đoàn chủ lực để làm tan rã hệ thống phòng thủ của địch và lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, Đảng đã chỉ đạo kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với phát động quần chúng nhân dân nổi dậy làm chủ địa bàn, tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn và rộng khắp. |
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã thể hiện tinh thần quật khởi của cả dân tộc Việt Nam khi tiến hành một cuộc “trường chinh” vĩ đại với ý chí thép, chấp nhận hy sinh tất cả để đổi lấy hòa bình, non sông thu về một mối, hoàn thành khúc khải hoàn ca “to lớn nhất, toàn diện nhất, triệt để nhất, trọn vẹn nhất”.
Năm là, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo vận dụng sáng tạo, tài tình nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Vận dụng sáng tạo và tài tình nghệ thuật quân sự dân tộc đã là một tài sản và truyền thống quý báu của Đảng ta. Song, trong đại thắng mùa Xuân 1975, sự vận dụng đó đã phát triển thành một đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đảng đã xác định phương hướng và mục tiêu tiến công đúng đắn, lựa chọn thời cơ tiến công thích hợp, cơ động và tập trung lực lượng kịp thời, đề ra hình thức tác chiến có hiệu lực lớn nhất, tạo bất ngờ và triệt để lợi dụng và khoét sâu sai lầm của địch, buộc chúng phải bị động, bất ngờ đối phó. Ta chớp thời cơ thuận lợi, kiên quyết và thần tốc tấn công, chỉ huy chủ động, táo bạo, linh hoạt để liên tiếp tiêu diệt, phá tan hệ thống phòng ngự và các tập đoàn quân địch, làm tan rã nhiều lực lượng, tiến tới đập tan chế độ ngụy quyền được sự bảo trợ của Mỹ.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nghệ thuật quân sự Việt Nam đã phát triển lên tầm cao mới trong thời đại mới, nên đã tạo được sức mạnh áp đảo quân địch, luôn đánh địch ở thế mạnh và đánh tiêu diệt gọn, khiến địch phải bất ngờ và liên tục thất bại, tan rã. Đồng thời, làm cho nhân tố chính trị, tinh thần của bộ đội và nhân dân càng được tăng lên; cán bộ, chiến sĩ ta càng xốc tới mãnh liệt hơn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt nam được tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh để đưa đất nước đến ngày toàn thắng.
Đại thắng mùa Xuân 1975 chính là “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc, khẳng định đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta trong “cuộc đụng đầu lịch sử” chống đế quốc Mỹ xâm lược. “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi sâu vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”(7)./.
46 năm đã trôi qua, tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử của đại thắng mùa Xuân năm 1975 ngày càng được khẳng định và nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn. Những bài học ấy sẽ còn có giá trị lâu dài đối với với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới |
TS. NGUYỄN ĐÌNH TƯƠNG,
Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự;
HOÀNG MẠNH ANH,
Học viện Chính trị Bộ Quốc phòng
______________________
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2004, t.37, tr.983
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.34, tr.232.
(3), (4), (6) Tổng cục Chính trị: Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam 1944-2000, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 2002, tr.554-555, 571, 592.
(5) Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954-1975 - những sự kiện quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1980, tr.281.
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội lần thứ IV của Đảng, Nxb. Sự thật, H. 1977, tr.5-6.
Nguồn: http://www.tuyengiao.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn